Vở nhạc kịch Broadway “Đại Mộng Thần Hầu” đã khiến Tôn Ngộ Không - một nhân vật vốn đã quá quen thuộc với người dân Trung Quốc trở nên hoàn toàn mới lạ. Giờ đây, Hầu Vương thích xăm trổ, nhảy hip-hop, biết làm xiếc và… biết yêu.
Nam diễn viên người Mỹ gốc Phi - Apollo Levine với ngoại hình đầy cơ bắp và… xăm trổ đã khiến khán giả Trung Quốc ngạc nhiên thú vị khi thấy anh vào vai Tôn Ngộ Không phiên bản nhạc kịch Broadway phong cách Mỹ.
Levine vốn sống ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Giờ anh tới Trung Quốc để vào vai Tôn Ngộ Không - nhân vật chính trong vở nhạc kịch “Đại Mộng Thần Hầu” làm theo phong cách Broadway của Mỹ, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cổ điển “Tây Du Ký” - tác phẩm đã có lịch sử hơn 400 năm.
Vở kịch có tên tiếng Trung là “Đại Mộng Thần Hầu”, tên tiếng Anh là “Monkey King” (Vua khỉ). Tác phẩm đã chính thức ra mắt khán giả tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc trong tuần qua và gây được nhiều hứng thú đối với khán giả.
Tác phẩm là một sự kết hợp sáng tạo giữa Kinh kịch Trung Quốc và nhạc kịch Broadway (Mỹ). Trong đó, Tôn Ngộ Không biết nhảy hip-hop, hát thánh ca, biết đánh võ, làm xiếc và đặc biệt nhất… biết cả yêu.
Theo đạo diễn kiêm nhà sản xuất của vở kịch - ông Tony Stimac, một đạo diễn kỳ cựu ở sân khấu kịch Broadway, New York, Mỹ, Tôn Ngộ Không là vị siêu anh hùng đầu tiên xuất hiện trong lịch sử văn học.
Những nhân vật như Siêu nhân, Người Dơi, Người Nhện… vốn đã được khán giả phương Tây đón nhận nồng nhiệt, từ màn ảnh rộng cho tới sân khấu kịch, ông Stimac hy vọng điều tương tự sẽ xảy ra đối với nhân vật siêu anh hùng của phương Đông - Hầu Vương.
Vở nhạc kịch “Đại Mộng Thần Hầu” được xây dựng dựa trên 7 chương đầu trong tổng số 100 chương của tác phẩm “Tây Du Ký”. Ở vở kịch nhỏ này, Hầu Vương được khai thác ở khía cạnh một nhân vật quậy phá, sẵn sàng thách thức cả Ngọc Hoàng và các vị thánh thần.
Hầu Vương ở đây giống như một gã thanh niên đầy sức mạnh, nhiều năng lực nhưng chưa hoàn toàn trưởng thành, vì thế không biết cách điều chỉnh năng lượng của mình để dùng vào việc đúng đắn.
Ngoài ra, vở kịch cũng thêm vào những chi tiết không có trong nguyên tác, chẳng hạn như Tôn Ngộ Không đã gặp gỡ và đem lòng cảm mến một cô gái.
Đạo diễn Stimac cho biết ông muốn xây dựng nhân vật Tôn Ngộ Không trở thành nhân vật đầy nhân tính, để khán giả đến từ khắp nơi trên thế giới đều có thể yêu mến nhân vật này. Muốn làm được vậy Tôn Ngộ Không phải có đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố mà mỗi người bình thường đều có.
Theo đó, Tôn Ngộ Không ban đầu ưa phiêu lưu, thích chinh phục nhưng cuối cùng, Hầu Vương nhận ra rằng việc có một gia đình là tuyệt vời nhất bởi mỗi người đều nên có một nơi chốn đi về.
“Đại Mộng Thần Hầu” là một vở kịch song ngữ, trong quá trình biểu diễn, các diễn viên đều nói tiếng Trung ngoại trừ Hầu Vương (nam diễn viên Apollo Levine) nói tiếng Anh. Các câu thoại của Hầu Vương sẽ được dịch phụ đề. Phần nhạc sử dụng trong vở kịch cũng bao gồm cả nhạc cổ tiếng Trung lẫn nhạc hiện đại tiếng Anh.
Theo đạo diễn Stimac, vở kịch cũng lồng ghép một số yếu tố chính trị. Theo đó, đàn khỉ ở Hoa Quả Sơn chính là hình ảnh ẩn dụ của người dân Trung Quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Trung Quốc đã học cách vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Giờ đây, khi Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có đầy đủ nội lực để khẳng định mình trên trường quốc tế, họ cần tiếp tục học một bài học thứ hai, đó là kiểm soát sức mạnh của mình, giống như nhân vật Tôn Ngộ Không vậy.
Khi được hỏi về phản ứng của khán giả Trung Quốc đối với vở kịch này, đạo diễn Stimac nói đây là một câu hỏi khó trả lời bởi khán giả ở đây thường vừa xem vừa nói chuyện, lấy điện thoại chụp ảnh, quay phim, đi ra đi vào phòng vệ sinh, “khá ồn ào, hỗn loạn”. Cứ tưởng khán giả không thích vở kịch của mình nhưng đến cuối, Stimac lại thấy họ “vỗ tay, hò reo”.
Thực tế, “Đại Mộng Thần Hầu” - Hầu Vương (Tôn Ngộ Không) là một vở nhạc kịch có sự tài trợ của chính phủ Trung Quốc với mục đích xuất khẩu ra nước ngoài một sản phẩm văn hóa đậm chất Trung Quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét